TTCT – Thị trường bán lẻ dược phẩm VN được đánh giá có nhiều cơ hội hậu đại dịch.
Các yếu tố xã hội và kinh tế khác góp phần vào sự tăng trưởng của ngành. Tỉ lệ dân số trên 65 tuổi đang tăng nhanh, dẫn đến nhu cầu về thuốc điều trị trong nước tăng cao, nên sự mở rộng rầm rộ của các chuỗi nhà thuốc bán lẻ không có gì ngạc nhiên.
Một ví dụ, số lượng cửa hàng của chuỗi nhà thuốc Long Châu (thuộc Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT) đã tăng gần gấp ba so với cùng kỳ năm ngoái lên 600 trong quý 1-2022.
Đây cũng là số ít các chuỗi bán lẻ được ghi nhận lãi ròng. Năm nay Long Châu có kế hoạch mở thêm ít nhất 300 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên khoảng 700-800 vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên, Long Châu cũng giống nhiều đơn vị dược phẩm khác, gặp phải không ít thách thức trong thời gian qua.
Việc khan hiếm nguyên liệu trong chuỗi cung ứng toàn cầu (nhất là thời điểm dịch bùng phát mạnh tại hai nước cung cấp nguồn nguyên liệu dược chính là Trung Quốc và Ấn Độ) cùng chi phí vận chuyển, phân phối tăng cao khiến giá cả tăng nhanh.
Dẫu vậy, nhìn thấy tiềm năng lớn của thị trường, các chuỗi cửa hàng dược phẩm vẫn nỗ lực gia tăng sự hiện diện. Chính sách của Chính phủ như ra mắt cơ sở dữ liệu y học quốc gia hay nền tảng khám chữa bệnh từ xa cũng có tác động tích cực đến ngành.
Theo Hãng phân tích Ken Research, thị trường bán lẻ dược phẩm VN dự kiến ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép về doanh thu lên tới 8,1%/năm trong giai đoạn dự báo 2019-2025.
Nhưng tăng trưởng mạnh đồng nghĩa với cạnh tranh khốc liệt, nhất là khi hiện chưa chuỗi nào đạt được thị phần vượt trội. Chiếm ưu thế áp đảo vẫn là kênh truyền thống với hiệu thuốc tư nhân không có thương hiệu.
Các hiệu thuốc này có mặt khắp nơi ở mọi đô thị VN. Người tiêu dùng có xu hướng ưa thích lựa chọn truyền thống này vì sự dễ tiếp cận. Trong tương lai gần, các hiệu thuốc như vậy được kỳ vọng sẽ tiếp tục thống trị ngành.
Nhưng các chuỗi dược phẩm hiện đại có tiềm lực tài chính và chiến lược bán hàng, marketing bài bản hơn. Ở kênh bán lẻ hiện đại hiện có 5 chuỗi đang cạnh tranh quyết liệt là Pharmacity, Long Châu, An Khang, Phano và Guardian. Các tên tuổi còn lại là Mỹ Châu và Medicare.
Nhìn chung, sự cạnh tranh trên thị trường còn phân mảnh, các chuỗi nhà thuốc chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ tổng doanh thu toàn ngành và tổng số cửa hàng.
Ngoài mở rộng mạng lưới, các chuỗi hiện đại còn cố gắng thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ trên thị trường bằng các dịch vụ khác như tích hợp cửa hàng với công nghệ mới nhất để có trải nghiệm tại cửa hàng tốt hơn, các chương trình khuyến mãi, mua thuốc online, tư vấn trực tuyến với dược sĩ, tải đơn thuốc, lưu trữ hồ sơ bệnh án, tính chỉ số BMI…
Nhìn thấy cơ hội tại thị trường VN, các chuỗi nhà thuốc có sự hiện diện lớn ở Đông Nam Á như Matsumoto Kiyoshi & Watsons cũng đã tham gia thị trường phân phối mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.
Dự kiến trong thời gian tới, nhiều công ty hơn sẽ tham gia vào ngành hoặc mở rộng sự hiện diện của mình tại thị trường 100 triệu dân này.■